Vệ sỹ bất đắc dĩ

CẦN LẮM NHỮNG VỆ SĨ THỰC THỤ
(CATP) Mặc dù ra đời từ những năm 1990, nhưng phải đến giữa năm 2001, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Nghị định 14 về quản lý hoạt động và kinh doanh dịch vụ bảo vệ (DVBV). Tiếp theo đó Bộ Công an có Thông tư 07-2001 hướng dẫn thực hiện Nghị định 14. Dù rằng cả nghị định lẫn thông tư đã quy định chi tiết các điều kiện thành lập doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh DVBV. Nhưng suy cho cùng cả hai văn bản này đều không đưa ra tiêu chuẩn cụ thể đối với một vệ sĩ đúng nghĩa theo chương trình huấn luyện bắt buộc trước khi hành nghề. Điều đó khiến khách hàng cũng như người dân chưa có một định nghĩa rạch ròi giữa vệ sĩ và nhân viên bảo vệ. Thực tế thì đa số các công ty kinh doanh DVBV đều tự đề ra các chương trình huấn luyện nhân viên theo cách riêng, không ai giống ai. Công ty nào chuyên nghiệp thì tập trung đào tạo nhân viên một cách bài bản, đúng quy trình; ít chuyên nghiệp hơn thì cho học vài môn cơ bản để làm “vốn”; còn không chuyên nghiệp thì không cho học gì cả để đỡ tốn kém chi phí. 

                                Vệ sĩ tham gia bảo vệ các đoàn khách
 Những năm trở lại đây, số lượng các công ty kinh doanh lĩnh vực này tăng lên đáng kể và cái gọi là nghề vệ sĩ đang ở mức tự phát. Điều đó đã kéo theo nhiều hệ lụy. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - CATP, trong 6 tháng đầu năm 2013 đã có 20 trường hợp doanh nghiệp DVBV vi phạm các lỗi như: tuyển dụng nhân viên bảo vệ không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, sử dụng nhân viên bảo vệ chưa đào tạo hoặc chưa được cấp chứng chỉ nghiệp vụ, sử dụng gậy cao su, gậy sắt trái phép... đồng thời tước quyền sử dụng giấy xác nhận đủ điều kiện về ANTT kinh doanh đối với 16 trường hợp vi phạm nghiêm trọng... Đây chỉ là con số thống kê chính thức, theo chúng tôi, nếu cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các Cty DVBV thì con số vi phạm có thể sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Trung tá Nguyễn Minh Phúc - Phó trưởng đội Đăng ký quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT và con dấu - Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về ANTT - CATP cho biết: “Công tác giáo dục, đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên bảo vệ ở một số doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Một số công ty bảo vệ đã “xé rào” tuyển người lao động (NLĐ) mà không cần xác minh, dẫn đến tình trạng NLĐ sử dụng hồ sơ giả để xin việc, thậm chí có đối tượng mang tiền án, tiền sự trà trộn vào đây. Do vậy, không thể tránh khỏi tình trạng nhân viên bảo vệ có thái độ, lời nói cử chỉ thiếu lịch sự, thậm chí đánh người hay vi phạm pháp luật... làm xấu đi hình ảnh của người vệ sĩ, gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn...”.

                                       Cần thiết phải được đào tạo công tác PCCC
 Phó giám đốc một Công ty bảo vệ ở quận 8 chia sẻ: “Tồn tại lớn nhất hiện nay là việc sử dụng đội ngũ bảo vệ chưa được đào tạo chính quy và kinh nghiệm nghiệp vụ còn non kém. Thực tế, quy mô và cách thức tổ chức thực hiện ở mỗi doanh nghiệp mỗi khác, vì thế chất lượng đầu ra cũng rất khác nhau. Thông thường, những doanh nghiệp có uy tín thường rất chú trọng khâu khảo sát, điều nghiên mô hình tổ chức hoạt động DVBV trước khi thành lập công ty, thậm chí trước khi ký nhận hợp đồng, phía doanh nghiệp còn cẩn trọng khảo sát mục tiêu để từ đó xây dựng chiến lược bố trí lực lượng cho phù hợp theo yêu cầu của khách hàng. Riêng đối với các doanh nghiệp cạnh tranh kiểu “chụp giựt” thường không có “nuôi quân” (nghĩa là NLĐ hưởng lương tháng cố định), lại chỉ tuyển dụng lao động theo hợp đồng. Đến khi chấm dứt hợp đồng, họ lại buộc NLĐ thôi việc hoặc đề nghị về nhà nghỉ chờ khi nào có việc công ty sẽ gọi. Do không phải mất tiền chi phí đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế nên nhiều doanh nghiệp tùy tiện ký nhận hợp đồng một cách bừa bãi. Tỉ lệ thuận với sự tùy tiện, rẻ rúng chính là việc nhân viên bảo vệ không đạt được yêu cầu của đối tác, hay lại trở thành tội phạm gây ra các vụ phạm pháp như trộm cắp, cướp tài sản của khách hàng. Vừa qua, ở một tỉnh miền Đông giáp ranh TPHCM, một số công ty bảo vệ do tuyển dụng nhân viên bảo vệ sơ sài, thiếu thẩm tra xác minh lý lịch người lao đông, nên đã “tuyển nhầm” tội phạm có lệnh truy nã trà trộn. Nguy hiểm hơn là nhân danh nhân viên bảo vệ (hoặc vệ sĩ), chúng lên kế hoạch gây án hoặc móc nối với các đối tượng ở bên ngoài lấy trộm tài sản của các công ty lớn”. 

 
                      Vệ sĩ thực thụ cần phải được đào tạo bài bản, đặc biệt là võ thuật
 Mặc dù Bộ Công an đã triển khai Nghị định số 52/CP ngày 22-4-2008 của Chính phủ về áp dụng những quy tắc, quy định chung cho hoạt động DVBV. Theo đó, nhân viên bảo vệ bắt buộc phải có giấy phép hành nghề. Nhưng thực tế thì khác xa. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn không thực hiện một cách triệt để, sâu sắc. Như chúng tôi đã phản ánh ở những kỳ trước, công tác tuyển đầu vào của một số Cty DVBV hiện nay cực kỳ đơn giản, thậm chí còn dễ hơn mua rau. Ai thất nghiệp, thích làm nhân viên bảo vệ cứ đến đăng ký, nộp hồ sơ đều trúng tuyển hết. Quy trình phỏng vấn, đào tạo không còn là mục tiêu hàng đầu hoặc là vấn đề gì quan trọng cả. Nơi thu tiền thế chân, nơi thu phí đào tạo, nơi thì chỉ cần đóng tiền trang phục... là có việc làm ngay. Hơn nữa, bản thân người được tuyển dụng cũng còn mù mờ về thông tin, về cách thức làm việc, về khả năng xử lý tình huống... dù trước đó Cty nào cũng đề ra những slogan nghe rất kêu (thực tế chỉ là khua môi múa mép). Cộng vào đó, chế độ chính sách cho NLĐ của một số doanh nghiệp cũng chưa được quan tâm đúng mức khiến nhiều NLĐ bất mãn không chịu gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Điều đó dẫn đến hoạt động kinh doanh DVBV luôn biến động về nhân sự.
Dù đã bước sang tuổi lục tuần nhưng ông T.Q (ngụ ấp 6, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) vẫn được một Cty DVBV nhận vào làm việc sau một thời gian nghỉ làm thợ hồ do tuổi cao, sức yếu. Bản thân ông Q. như thế thì làm sao bảo vệ tài sản, bảo vệ tính mạng cho khách hàng? Trừ những gì đã chứng kiến tại một doanh nghiệp mà chúng tôi đã thâm nhập, trên đường phố hình ảnh nhân viên khoác áo một công ty DVBV cũng mất dần hình tượng vệ sĩ quen thuộc. Nhiều anh chàng ốm yếu, nhỏ thó trong bộ đồ rộng thùng thình bảo vệ tại một số cửa hàng trông chẳng giống ai. Nhớ lại Cty tuyển người “dễ như ăn kẹo” hôm nọ, chúng tôi lại phì cười khi một nhân viên cho biết: phụ nữ 40 tuổi vẫn có thể xin việc ở đây.
Được biết, nếu để tuyển vệ sĩ đúng nghĩa, đúng chất thì điều kiện cũng khó như tuyển... người mẫu! Ngoài những tiêu chuẩn tuổi từ 18 - 38, tốt nghiệp THPT, có sức khỏe, không tiền án tiền sự, biết võ thuật... thì ngoại hình phải đạt chuẩn: nam cao từ 1,7m, cân nặng khoảng 60kg; nữ cao từ 1,6m, nặng khoảng 50kg. Theo tiêu chuẩn đó, Công ty Long Hải (TPHCM) và Thăng Long (Hà Nội) - hai Cty xuất hiện đầu tiên trong làng vệ sĩ lúc bấy giờ đã thực hiện rất nghiêm khắc theo đúng quy trình tuyển vệ sĩ. Nghe đâu đã có thời tỷ lệ chọi để tuyển đầu vào ở đây còn cao hơn thi vào các trường đại học. Trường Đào tạo nghề khu vực phía Nam trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng đóng tại phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cũng là một trong những trường hiếm hoi đào tạo và cấp chứng chỉ nghề vệ sĩ. Tuy nhiên, số lượng học viên ra trường và có chứng chỉ nghề còn khiêm tốn so với số lượng khá lớn đang được tuyển dụng vào làm việc tại các công ty. Trước sự thiếu hụt đó, nhiều Cty DVBV ra đời “cấp tốc” và đào tạo ra những vệ sĩ “cấp tốc” để đáp ứng thị trường nhằm mục đích thu lợi. Có thể ở VN, người ta cố tình hiểu sai giữa hai định nghĩa “vệ sĩ” với “nhân viên bảo vệ” nên hàng loạt các Cty sau đó mọc lên cứ lộn phèo cả lên, tuyển vệ sĩ tức là nhân viên bảo vệ hoặc ngược lại. Rõ ràng, sự xuất hiện ồ ạt của các Cty DVBV với sự cẩu thả này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và làm xấu đi hình ảnh của một vệ sĩ thực thụ.
Không thể phủ nhận mặt tích cực của các Cty DVBV đúng nghĩa. Qua quá trình hoạt động, nhìn chung các doanh nghiệp này đã từng bước thể hiện vai trò cần thiết trong xã hội, đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ tài sản, tính mạng cũng như giải quyết việc làm nhiều NLĐ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo tình hình ANTT  tại nhiều địa phương trên phạm vi cả nước. Nhưng điều đó chỉ đúng đối với trường hợp các Cty DVBV làm ăn chân chính, chuyên nghiệp, có tâm huyết, chú trọng đào tạo đội ngũ vệ sĩ đàng hoàng, tử tế, có chuyên môn, lập trường chính trị vững vàng. Còn trước tình hình tuyển dụng, đào tạo vệ sĩ chớp nhoáng, bát nháo của một số Cty DVBV như hiện nay thì vấn đề này cần phải xem lại. Bởi nếu được huấn luyện bài bản, kỹ lưỡng, lực lượng vệ sĩ sẽ góp phần vào công tác bảo vệ trật tự, an ninh cho xã hội; còn ngược lại sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Vì đây vốn dĩ là một ngành nghề rất nhạy cảm nên cũng rất dễ bị lạm quyền. Theo chia sẻ của một tổng giám đốc công ty DVBV có tiếng và có tâm huyết trên thị trường hiện nay, hình ảnh của người vệ sĩ chuẩn mực không chỉ giỏi về võ thuật mà còn phải có trí tuệ để xử lý tình huống khéo léo làm sao bảo vệ tính mạng và tài sản của khách hàng một cách an toàn tuyệt đối.
“Cung - cầu” vốn dĩ là quy luật tất yếu của xã hội. Thực tế thị trường đang cần một đội ngũ nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp rất lớn nhưng để phát huy hiệu quả, nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ vệ sĩ tư nhân rất cần một quy định, một hệ thống quy chuẩn cụ thể rõ ràng. Không thể để tình trạng thả nổi các Cty DVBV muốn làm sao thì làm như những năm qua. Cần siết chặt ngay từ khâu cấp giấy phép thành lập Cty và giám sát quy trình đào tạo đội ngũ bảo vệ, nếu không muốn cho ra đời những “quái thai” gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT và làm mất hình tượng của người vệ sĩ chân chính.
 
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                 Song Thiên - Nguyễn Hiếu
 

Các tin khác